Thú Chơi Đá Quý – Kinh nghiệm chọn mua Đá Quý, trang sức Đá Quý
Những món nữ trang lấp lánh đá quý thật quyến rũ làm sao. Thế nhưng thị trường đá quý hiện rất đa dạng, đủ loại màu sắc, hình dạng, chất lượng khách nhau, phải lựa chọn như thế nào để có thể tìm được đúng loại đá quý mình cần?
Theo giới kinh doanh mặt hàng này, thị trường đá quý hiện nay có kim cương, hồng bảo ngọc (ruby), lam bảo ngọc (sapphire), bích ngọc, hoàng ngọc, ngọc trai (pearl), đá citirine, hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc xanh biển, đá opal, peridote, cẩm thạch… Ngoài ra còn có các loại đá bán quý như xoàn xiêm, mã não, spinel, toumaline, thạch anh, thiên thạch, san hô, hổ phách, cây hóa thạch… Trong đó, kim cương được coi là “vua”, kế đến là cẩm thạch và ngọc trai. Theo số liệu của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, lượng đá quý nhập vào Việt Nam trong năm 2004 có giá trị khoảng 300 triệu USD, trong đó chủ yếu là kim cương. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ đá quý, đặc biệt là kim cương, ngày càng tăng cao. Đại diện một công ty chuyên về đá quý cho biết: “Màu sắc của viên kim cương tăng thêm vẻ sang trọng cho người đeo khiến người tiêu dùng có khả năng tài chính ngày càng thích lựa chọn kim cương làm vật trang sức. Ngoài ra, kim cương còn có thể làm tài sản cất giữ mà không mất giá”.
Người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm đá quý có giấy giám định
Ngoài các loại đá quý tự nhiên, trên thị trường còn xuất hiện những loại đá quý nhân tạo, kể cả kim cương. Nhiều công ty của Trung Quốc, Mỹ… hiện nay sản xuất kim cương nhân tạo có màu sắc gần như kim cương tự nhiên. Để có thể lựa chọn một viên kim cương có giá trị, trước tiên người tiêu dùng phải xem xét giá. Giá một viên kim cương cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào các yếu tố: nét cắt (có nhiều hình dạng như tròn, tam giác, bầu nhọn 2 góc, bầu dục, vuông nhọn góc, chữ nhật bản nhỏ cắt góc, trái tim, pha lê…); trọng lượng (karat); màu sắc; đặc tính của vết cắt; giấy chứng nhận tiêu chuẩn.
Theo người đại diện của công ty đá quý nói trên, người tiêu dùng có thể phân biệt kim cương tự nhiên và nhân tạo theo một số cách thủ công. Trước tiên là thử bằng nước: bỏ viên kim cương vào một ly nước trong để xem độ sáng của viên kim cương. Nếu kim cương vẫn chiếu sáng là kim cương thật, còn nếu ánh sáng mờ là nhân tạo. Thử bằng acid: nhúng viên kim cương vào acid, kim cương thật không mờ. Thử bằng các vạch màu: dùng một miếng giấy trắng vẽ 3 sọc xanh, đỏ, vàng rồi để viên kim cương lên quan sát. Kim cương thật sẽ không cho thấy rõ các vạch màu, các vạch màu sẽ nhòe đi, còn kim cương nhân tạo sẽ thấy rõ các vạch màu.
Riêng đối với ngọc trai, theo giám đốc kinh doanh của một Công ty đá quý nổi tiếng, người tiêu dùng có thể dựa vào 3 đặc điểm sau để phân biệt ngọc trai tự nhiên và nhân tạo: ngọc trai nhân tạo sẽ có độ dày của men mỏng hơn; ngọc trai tự nhiên nặng hơn, có độ sáng bóng hơn.
Trên đây là một số cách phân biệt kim cương, ngọc trai đơn giản. Để phân biệt chính xác các loại đá quý nói chung và kim cương, ngọc trai nói riêng, người tiêu dùng nên lựa chọn mua đá quý ở những cửa hàng kinh doanh có uy tín với những công cụ hỗ trợ phân biệt hiện đại.
Nguồn: Da Quy – Da Phong Thuy
Leave a Reply